Những thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xã hội cần cảnh giác
Giả mạo nhân viên rạp chiếu phim để tuyển cộng tác viên online
Công an TP.HCM cho biết gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả mạo nhân viên Lotte Cinema tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ online. Đây là thủ đoạn ‘biến tướng’ từ hình thức lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên 'Việc nhẹ, lương cao' đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo. Những người có nhu cầu kiếm việc làm thêm được đối tượng mời chào làm cộng tác viên xem và đánh giá video clip để được nhận hoa hồng, tuy nhiên, thực chất nạn nhân bị dẫn dụ chuyển khoản tiền để thực hiện nhiệm vụ và bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Đề nghị người dân cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin trên mạng, Cục An toàn thông tin cũng lưu ý, người dân không nên tin vào các lời mời tuyển dụng ‘việc nhẹ, lương cao’ trên mạng xã hội; Chỉ tìm việc làm qua trung tâm của nhà trường hay các tổ chức chính trị, xã hội, những đơn vị tuyển dụng có địa chỉ và pháp nhân rõ ràng; Không đăng nhập các đường link lạ có nguy cơ chứa mã độc và có thể bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Vay tiền bằng iCloud tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân
Thời gian gần đây, khi nhiều hình thức ‘tín dụng đen’ được cơ quan chức năng tuyên truyền và xử lý nghiêm, loại hình ‘vay tiền bằng iCloud’ lại nở rộ. Để được vay tiền, người vay phải có iPhone hoặc iPad chính chủ và phải là các sản phẩm đời mới. Bên cho vay sẽ yêu cầu người vay đăng xuất iCloud và nhập tài khoản iCloud bên cho vay cung cấp hoặc đăng nhập vào đường link theo yêu cầu, bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, sau đó mới làm hợp đồng cho vay.
Khi người vay thực hiện những thao tác kể trên, tài khoản iCloud của họ sẽ có nguy cơ bị chiếm đoạt. Bên cạnh đó, người vay qua hình thức này còn phải đối mặt với những rủi ro khác như nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là hệ lụy từ những chiêu trò ‘biến tướng’ của cho vay nặng lãi.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân không nên sử dụng các dịch vay tiền qua mạng nói chung và ‘Vay tiền bằng iCloud’ nói riêng; Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức; Lựa chọn các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín để vay tiền, không tìm đến các dịch vụ trên mạng xã hội. Người dân cũng cần cài đặt bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone, iPad đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.
Hình thức lừa đảo tuyển nhân viên lắp ráp bút bi tại nhà
Công an quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) mới đây đã điều tra vụ án hình sự ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra trên địa bàn. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện, trong khoảng 2 năm 2021 - 2022, 3 đối tượng đều trú tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã sử dụng các tài khoản Facebook ‘Nguyễn Thị Trang’, ‘Trần Thị Kim Anh’ và tài khoản Zalo ‘Trần Tấn Thịnh’ để đăng tải nội dung tuyển nhân viên làm công việc lắp ráp bút bi tại nhà để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi người có nhu cầu kiếm việc làm thêm nhắn tin liên hệ, các đối tượng yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc, tiền phí vận chuyển trước để được nhận việc về nhà làm. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng cắt đứt liên lạc rồi chiếm đoạt tiền. Ba đối tượng lừa chiếm đoạt tiền của các nạn nhân trên thừa nhận đã chiếm đoạt được tiền của 7 người dùng Facebook.
Cục An toàn thông tin khuyên người dân nên xác minh rõ danh tính của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền; Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.
Chiêu lừa đảo mới nhắm vào người dùng dịch vụ thư điện tử
Một chuyên gia an ninh mạng mới đây đã lên tiếng cảnh báo về hình thức lừa đảo hết sức tinh vi liên quan tới hệ thống thư điện tử của Microsoft. Người này cho biết đã nhận được một bức thư từ địa chỉ ‘security@microsoft.com’, địa chỉ email được cho là thuộc quyền sở hữu của bộ phận an ninh Microsoft.
Email giả mạo thư điện tử từ Microsoft có nội dung yêu cầu người dùng gia tăng bảo mật thiết bị của họ bằng cách bấm vào đường link đính kèm. Thực chất, các đường link trong email dẫn tới trang web có chứa mã độc, khiến cho đối tượng lừa đảo có thể chiếm quyền kiểm soát thiết bị, đánh cắp dữ liệu và thông tin của nạn nhân. Chuyên gia này báo cáo vụ việc tới Microsoft và hiện hãng đang khắc phục các lỗ hổng của hệ thống.
Trước thủ đoạn lừa đảo mới kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo những người dùng email đề cao cảnh giác. Tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp các thông tin cá nhân cho những trang web không rõ nguồn gốc. Khi nhận được những tin nhắn mạo danh như trên, người dùng cần xác minh bằng cách liên hệ với công ty mà người gửi đại diện thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin điện tử chính thống.
Lừa đảo qua các liên kết trả lại hàng cho bưu điện
PIB Fact Check, trang thông tin chuyên đăng tải về các hình thức lừa đảo, mới đây đã cảnh báo về một thủ đoạn mới hết sức tinh vi, liên quan tới dịch vụ vận chuyển hàng hóa của bưu điện Ấn Độ - Indian Post.
Cụ thể, một số người dân Ấn Độ đã nhận được tin nhắn nội dung “Kiện hàng của bạn đã không thể được vận chuyển thành công do địa chỉ không chính xác, yêu cầu cập nhật thông tin trong vòng 48 giờ, nếu không kiện hàng sẽ được trả lại cho người gửi”. Đính kèm trong tin nhắn là đường link mà người dân được hướng dẫn cần bấm vào để sửa, cập nhật thông tin. Nếu người dân thực hiện theo hướng dẫn, họ sẽ bị đối tượng lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, tài khoản ngân hàng...
Trước hình thức lừa đảo mới này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn giả mạo. Khi gặp tình huống kể trên, người dân cần liên hệ lại với các đơn vị vận chuyển qua số điện thoại hoặc website chính thống để xác thực, nắm bắt tình trạng đơn hàng. Đặc biệt, người dân không nên bấm vào các đường link lạ cũng như không cung cấp những thông tin cá nhân.