Giám đốc Công an Hà Nội: Đưa AI vào camera để giám sát CSGT
Tại phiên chất vấn chiều 7/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội tập trung nêu câu hỏi về giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới. Trong đó, đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) đề nghị làm rõ giải pháp xử lý xe hợp đồng trá hình, xe dù đón trả khách gây ùn tắc giao thông.
Trả lời đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, để giải quyết bài toàn giao thông có 4 yếu tố: Con người tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông. Đảm bảo trật tự giao thông là một góc rất nhỏ của giao thông đô thị.
Thông tin thêm về hệ thống đèn tín hiệu và camera, ông Trung cho biết, nút đèn tín hiệu có 550 nút đèn và 605 mắt camera. Camera được 605 đầu chia làm 3 loại: Loại chỉ đo lưu lượng, loại chỉ quan sát tổng thể, loại có thể nhận diện được để làm cơ sở xử lý vi phạm.
Hệ thống mắt camera chủ yếu từ 2014, cũ lắm rồi, lạc hậu lắm rồi. Hầu như chưa có tý AI (trí tuệ thông minh) nào trong đó cả, ông Hải Trung nói và nêu ví dụ về Moscow (Nga), Bắc Kinh (Trung Quốc) với hệ thống camera rất phát triển. Thủ đô Moscow có 400.000 mắt camera, riêng quận Triều Dương (Bắc Kinh) có 43.000 mắt camera. Họ sử dụng tối ưu hóa trí tuệ thông minh để quản lý xã hội, tham gia phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tiết giao thông, xử lý vi phạm giao thông. Không chỉ xử lý giao thông, camera còn quản lý, xử lý ngay cả lực lượng CSGT nhằm phòng chống tiêu cực.
Do đó, lãnh đạo Công an TP Hà Nội khẳng định: "Số lượng đèn, camera ở Hà Nội chưa thấm tháp vào đâu. Ngoài ra, camera lắp chưa có quy hoạch gì, cái thành phố đầu tư, cái quận làm, chưa áp dụng trí tuệ nhân tạo vào vấn đề này".
Ông Trung đề xuất, cần tu bổ, nâng cấp camera sẵn có. Được biết, Hà Nội đang triển khai 4 dự án lắp camera. Đồng thời, Công an thành phố đang xây dựng đề án phát triển camera trên toàn Hà Nội.
Mạnh tay với xe hợp đồng trá hình
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về xe hợp đồng trá hình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, bản chất sau dịch COVID-19 thói quen đi lại của người dân thay đổi, lượng xe cá nhân phát triển, ý thức sử dụng xe công cộng giảm xuống. Tạo ra thói quen ở nhà gọi điện, hình thành các app, số điện thoại để nhà xe đón khách tại nhà hoặc các văn phòng đại diện. Việc này tạo thuận tiện cho người dân nhưng lại tùy tiện. "Gọi là xe hợp đồng nhưng thành tuyến cố định trá hình, rất khó xử lý", ông Thường nói.
Sau vụ nhà xe Thành Bưởi và vụ tai nạn khiến 5 người thương vong ở Lạng Sơn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải có giải pháp cho 63 tỉnh thành. Hà Nội đã lập 6 đoàn để kiểm tra, xử lý xe hợp đồng. "Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nhận diện các văn phòng đại diện thường xuyên làm điểm đón khách của xe hợp đồng trá hình quanh các bến xe lớn như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình... và sẽ có giải pháp xử lý mạnh dịp cuối năm", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải khẳng định.
Trích nguồn :Báo điện tử tổng hợp