Thủ tướng: 'Chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết'

16/06/2023
image not found

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 chiều 14/6 ở Hà Nội, Thủ tướng đánh giá Việt Nam đang ở trong kỷ nguyên khoa học công nghệ, đã bước vào giai đoạn phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam ở ba khía cạnh. Đầu tiên là thế giới được số hóa, kết nối số mọi lúc, mọi nơi, kết hợp thế giới thực với thế giới ảo. Vì vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường số. Thứ hai, đây là giai đoạn "thâm dụng tri thức và đột phá đổi mới sáng tạo", đồng thời mở ra nhiều cơ hội để bắt kịp, đi cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động bao trùm, toàn diện, đòi hỏi việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước phải đặt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá thời gian qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, như thể chế liên quan đến chuyển đổi số từng bước được hoàn thiện. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt với gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số.

Ông cho biết tới đây, Chính phủ sẽ ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này nhằm tạo ra bứt phá về năng suất, sức cạnh tranh của các ngành và cả nền kinh tế.

"Sẽ có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. Chính sách khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới cũng sẽ được triển khai để tạo niềm tin cho thị trường; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ góc nhìn riêng về cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho biết trong công nghiệp hóa, 50% là công nghệ số và 50% còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển.

Là quốc gia có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc đã đặt ra cơ hội và lợi thế cho Việt Nam. Ông Hùng cho rằng, Việt Nam phải đi theo con đường riêng, dựa trên trình độ, văn hóa, tố chất con người. "Hiện trên thế giới chưa có mô hình nào mà hai nước áp dụng đều thành công", ông nói.

Theo Bộ trưởng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhấn mạnh tới máy móc, trí tuệ nhân tạo, trí óc. Những thứ này phát triển trao thêm quyền năng chứ không thay thế con người và mang tính cách mạng toàn dân. Ở cuộc cách mạng này, "ai có nhiều nhu cầu, có nhiều vấn đề đặt hàng giải quyết là người đó chiến thắng", ông Hùng nói.

Theo Báo cáo về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc công bố năm 2022, xếp hạng chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2020, từ 81 lên 76.

Hiện, 90% cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử. Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và phê duyệt hơn 11 triệu tài khoản định danh điện tử; cơ sở dữ liệu hộ tịch đã có trên 35 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; đã vận hành cơ sở dữ liệu đất tại 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố; thông tin của hơn một triệu doanh nghiệp được cập nhật theo thời gian thực.

Trích nguồn: Vnexpress.net