Không chuyển đổi số nhanh và toàn diện, Đà Nẵng thì sẽ tụt hậu

30/05/2023
image not found

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, mang tính toàn cầu. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ tụt hậu và Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó.

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số với chủ đề "Dữ liệu số - Thách thức và định hướng", nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến triển khai chuyển đổi số của Đà Nẵng, kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, chuyển đổi số ở lĩnh vực bảo tàng, văn hóa, khai thác dữ liệu camera phục vụ giám sát, điều hành, blockchain phục vụ trung tâm tài chính số,...

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Di sản Văn hóa và lãnh đạo TP Đà Nẵng,...

Tại hội thảo, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, thực hiện các chủ trương, định hướng trên của Trung ương, cùng với việc cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã xác định cách tiếp cận chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính đó là: Hạ tầng - Dữ liệu - Ứng dụng thông minh; trong đó, hạ tầng, dữ liệu là cơ sở, nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định chuyển đổi số là "động lực", là "chìa khóa" quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững với mục tiêu tổng quát là: Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, nhà nước, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số.

Nhờ đó, trong những năm vừa qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đã diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố đã chủ động, tích cực tham gia triển khai và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực.

Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư khá đồng bộ; hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.

Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố.

Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, góp phần đưa Đà Nẵng 2 năm liên tiếp xếp hạng nhất Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục "cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc"; 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam; chứng nhận cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Diễn đàn top công nghiệp 4.0 Việt Nam…

"Tuy nhiên so với mục tiêu và yêu cầu đặt ra, công tác triển khai chuyển đổi số tại thành phố hiện nay vẫn còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực, nhất là dữ liệu số hiện nay của thành phố còn rời rạc, chưa đảm bảo độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp; việc chia sẽ dữ liệu còn hạn chế….", ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nói.

Theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc tổ chức hội thảo hôm nay thể hiện thái độ, quyết tâm, trách nhiệm cao của thành phố trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số theo Chương trình 749 của Thủ tướng Chính phủ.

"Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Hiện nay cũng chưa có mô hình kiểu mẫu, điển hình và có điều kiện, hoàn cảnh tương tự để Đà Nẵng học tập, tham khảo, nhất là trong bối cảnh thành phố đang vừa triển khai song song mô hình thành phố chuyển đổi số và mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, không vì khó mà không làm, không vì phức tạp mà làm chậm tiến độ và kéo lùi quá trình phát triển của thành phố", ông Lê Trung Chinh đề nghị.

Dịp này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành, địa phương, nhất là các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải xác định chuyển đổi số là động lực mới, tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về dữ liệu, xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị, đưa dữ liệu trở thành thành phần cốt lõi trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của mỗi cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông phải sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh trong tháng 6/2023 để phục vụ chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo thành phố dựa trên dữ liệu số. Các sở, ban, ngành, địa phương phải cung cấp, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm IOC để phục vụ phân tích, khai thác, dự báo, hỗ trợ ra quyết định….

"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, mang tính chất toàn cầu, toàn dân và toàn xã hội. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu và Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó", Chủ tịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Trích nguồn. Baophapluat.vn