Đề xuất TP HCM thí điểm mô hình đô thị phát triển theo dự án giao thông

27/04/2023
image not found

TP HCM sẽ được thí điểm phát triển mô hình đô thị theo dự án giao thông, thanh toán bằng tiền cho dự án theo hợp đồng BT, cũng như có cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài, đầu tư chiến lược.

Nội dung này được nêu tại dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP HCM, được Chính phủ trình Quốc hội ngày 19/4. Nghị quyết này khi được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ thay thế Nghị quyết 54 thực hiện hơn 4 năm qua, để tạo cơ chế bứt phá hơn cho thành phố.

Điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ đề xuất cho TP HCM thí điểm phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Tức thành phố sẽ huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và các nút giao tuyến vành đai 3.

Để làm được việc này, dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án vùng lân cận thành dự án độc lập không hạn chế quy mô vốn (Luật Đầu tư công hiện chỉ cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng với các dự án quan trọng quốc gia - dự án nhóm A - vốn 10.000 tỷ đồng trở lên). Ngân sách thành phố sẽ được dùng để làm các dự án đầu tư công độc lập này, nhằm tạo mặt bằng sạch cho đấu giá các khu đất, nguồn lực thực hiện các dự án giao thông quy mô lớn và đồng bộ giữa phát triển đô thị và giao thông.

Hiện một số nước như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) áp dụng chính sách tương tự.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu các dự án lĩnh vực thể thao, bảo tàng, công nghiệp văn hóa... có vốn đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo Chính phủ, việc quy định tổng mức đầu tư tối thiểu dự án PPP các lĩnh vực trên để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân, nhưng tránh đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro. Dự án PPP liên quan tới nghĩa vụ của khu vực công (bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu).

Chính phủ cũng đề xuất cho TP HCM thí điểm dùng vốn ngân sách, vốn chuẩn bị đầu tư và dự toán ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hợp đồng BT.

Các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các công trình hiện hữu được thí điểm áp dụng hợp đồng BT. Thành phố sẽ tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, nếu chi phí mặt bằng chiếm trên 50% vốn đầu tư, không đảm bảo khả năng hoàn thành dự án.

Ngoài ra, TP HCM sẽ được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương nằm ngoài mức vốn đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; phân bổ vốn để bố trí hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Trong đó, dự kiến nguồn tăng thu khoảng 119.000 tỷ đồng của thành phố sẽ được bố trí cho dự án trọng điểm, cấp thiết. HĐND thành phố sẽ chủ động quyết định khi bố trí các nguồn vốn này.

Về cơ chế tài chính ngân sách, dự thảo cho phép HĐND quyết định điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục. Ngân sách thành phố sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm. Các quy định về dự toán, phân bổ ngân sách cũng sẽ được đảm bảo phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế xã hội và lĩnh vực quan trọng.

TP HCM sẽ được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thu nhập tăng thêm; tăng chi đầu tư, mua sắm.

Tổng mức dư nợ vay của thành phố được tăng thêm, tối đa 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Hàng năm ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho TP HCM không quá 70% số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa trung ương và địa phương.

Ngoài ra, UBND quận sẽ được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2-4% tổng chi ngân sách quận để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, dự thảo nghị quyết đưa ra cơ chế nhằm tăng cung cho thị trường bất động sản này.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến có 2,5 triệu m2 sàn nhà ở với 35.000 căn. Nhưng hai năm qua, thành phố mới có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 260 căn. Hầu hết dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Để gỡ vướng cho loại hình bất động sản này, Chính phủ đề xuất cho phép TP HCM được phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Hệ số điều chỉnh giá đất sẽ được thành phố xây dựng, ban hành và áp dụng cho việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Việc bồi thường về đất có thể thực hiện bằng tiền theo giá đất của từng loại đã thu hồi; cho phép thu tiền thuê đất hàng năm.

Về cơ chế với ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, trọng tâm là các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên, như chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu mới, công nghệ pin mới.

Chính phủ cũng đề xuất loạt chính sách thu hút người tài cho "đầu tàu" kinh tế phía Nam, như miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trunng tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao có thể được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

HĐND TP HCM quyết định tiêu chí, điều kiện chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các ưu đãi. Thành phố cũng quy định tiền lương, công, chế độ phúc lợi, chính sách ưu đãi với chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập dựa trên trình độ, năng lực và yêu cầu công việc.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP HCM, sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Trích nguồn: Vnexpress.vn