Giao thông thông minh sẽ giải bài toán ùn tắc nội đô
Theo CEO Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ, thực tế cho thấy nhiều giải pháp giao thông thông minh (ITS) đã phát huy hiệu quả tốt trong hỗ trợ quản lý và điều hành giao thông đô thị, giúp giảm nguy cơ ùn tắc giao thông
Trong thông tin chính thức về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện Đề án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Do đó, việc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội là hết sức cần thiết.
Để có thêm góc nhìn giúp hoàn thiện Đề án của Hà Nội, báo VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hổ, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Ủy ban Thành phố thông minh của VINASA về vai trò của công nghệ và các giải pháp giao thông thông minh tham gia quản lý đô thị.
Hà Nội đang đặt ra bài toán xử lý vấn đề ùn tắc giao thông nội đô. Dưới góc nhìn của ông, công nghệ sẽ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị như thế nào thưa ông?
CNTT nói chung và giao thông thông minh – ITS nói riêng, đóng góp rất hiệu quả vào việc giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Theo một nghiên cứu của Information Technology & Innovation Foundation, ITS Leadership, một đồng đầu tư cho ITS mang lại hiệu quả là 9 lần, so với đầu tư cho hạ tầng là 2,7 lần. Điều này càng đúng với các quốc gia có điều kiện khó khăn về nguồn lực đầu tư, quỹ đất dành cho giao thông và giao thông công cộng hạn chế, các điều kiện về phương thức và văn hóa giao thông đặc biệt như Việt Nam, việc triển khai các giải pháp ITS càng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Kinh nghiệm thế giới và thực tế Viettel đang thực hiện 36 dự án trung tâm điều hành thông minh - IOC tại 32 địa phương cho thấy: Bằng cách làm sáng tạo trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, nhiều giải pháp ITS đã được triển khai phát huy hiệu quả rất tốt để hỗ trợ cho việc quản lý và điều hành giao thông đô thị, giúp giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cụ thể như: Giải pháp bãi đỗ xe thông minh; giải pháp giám sát và xử lý vi phạm bằng hình ảnh qua hệ thống camera; giải pháp vé điện tử cho giao thông công cộng; điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh…
Về Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực nội đô Hà Nội được dư luận quan tâm thời gian gần đây, ông nhận định thế nào về tính khả thi?
Từ quan điểm của đơn vị đã tham gia triển khai nhiều dự án giao thông thông minh, chúng tôi cho rằng, việc triển khai Đề án này hoàn toàn khả thi về giải pháp công nghệ. Thực tế, thời gian qua, Viettel triển khai hệ thống ETC với thời gian kỷ lục 12 tháng phát triển được trên 1,8 triệu thuê bao, phát triển thành công giải pháp thu phí áp dụng cho cao tốc, đô thị dựa trên khả năng làm chủ công nghệ và kinh nghiệm thu phí viễn thông, cho phép thu phí theo các chính sách linh hoạt như theo quãng đường di chuyển, theo khu vực hay theo thời gian…
Tuy nhiên, để giải pháp giao thông thông minh - ITS thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cần một chương trình đồng bộ, căn cơ của Thành phố từ quy hoạch hạ tầng, phát triển các giải pháp về giao thông công cộng và kết nối giao thông, quy hoạch phát triển phương tiện cá nhân, chính sách tuyên truyền nâng cao nhận thức và văn hóa giao thông của người dân.
Có ý kiến cho rằng, đảm bảo 1 hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân là điều kiện quan trọng để triển khai thu phí phương tiện vào nội đô. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Việc triển khai các chính sách và giải pháp CNTT-VT phục vụ dân sinh cho số đông người dân như y tế, giáo dục, giao thông… để thành công bao giờ cũng cần áp dụng cả 2 chiều “Kéo - Đẩy”.
Cụ thể, để “Kéo” được người dân tham gia giải pháp thu phí xe ô tô vào một số khu vực với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, Thành phố cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng mang tính kết nối, ví dụ người dân khi di chuyển vào nội đô có thể gửi xe ở bãi, sau đó sử dụng phương tiện trung chuyển để di chuyển đến tàu điện trên cao, có thể tỏa đi các nơi trong thành phố. Đồng thời, Thành phố cũng cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của các giải pháp, có chính sách thu hút cho phương tiện công cộng như vé điện tử, tích hợp thanh toán tự động đa loại hình giao thông.
Song song đó, “Đẩy” người dân thông qua qua việc thu phí xe đi vào các khu vực trọng điểm, thường xuyên ùn tắc, thu phí đỗ xe theo giờ cao điểm các khu vực nội đô, xử phạt nghiêm vi phạm tham gia giao thông qua các giải pháp camera giao thông.
Cũng vì thế, việc Thành phố phải đảm bảo được 1 hệ thống giao thông công cộng để người dân có thể dùng thay thế cho phương tiện cá nhân là rất quan trọng, để triển khai thành công thu phí xe ô tô vào một số khu vực với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Thành phố thông minh thuộc VINASA, theo ông những siêu đô thị như Hà Nội cần làm gì để giải được bài toán ùn tắc giao thông nội đô?
Ùn tắc giao thông là một thực tế, biểu hiện của một đô thị đang ngày càng phát triển và một MegaCity như Hà Nội. Không một thành phố phát triển nhanh nào trên thế giới không đối mặt với các vấn đề về giao thông, ô nhiễm môi trường! Do đó, cần một kế hoạch và giải pháp đồng bộ, căn cơ cùng quyết tâm lớn của Thành phố và đồng lòng của người dân mới giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông nội đô.
Bên cạnh việc có một tầm nhìn, kế hoạch và quy hoạch cụ thể, đào tạo nhận thức nhằm đáp ứng việc phát triển dân số và giao thông của Thành phố, với vai trò Chủ tịch Ủy ban Thành phố thông minh của VINASA, tôi có một số kiến nghị. Thứ nhất, xây dựng một kế hoạch, lộ trình về triển khai các giải pháp ITS cho Hà Nội, với tầm nhìn 10 năm, đồng bộ từ chính sách, hành lang pháp lý, ngân sách. Mỗi năm đặt mục tiêu triển khai một giải pháp và kết quả cụ thể.
Thành phố nên tập trung xây dựng một số giải pháp nền tảng, giúp quản lý và quy hoạch hiệu quả giao thông như: Trung tâm điều hành giao thông thông minh (IOC); bản đồ giao thông giúp giám sát, quy hoạch và điều khiển giao thông; nền tảng kết nối và chia sẻ thông tin giao thông cho người dân, doanh nghiệp; … Đặc biệt, cần có giải pháp về công nghệ, chính sách, tuyên truyền để phát huy cộng đồng, mỗi người dân tham gia giao thông trở thành một sensor, camera giám sát, phản ánh và điều chỉnh giao thông Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố cũng cần chọn một số giải pháp có thể triển khai nhanh, có tính lan tỏa với cộng đồng, tạo cơ chế để các doanh nghiệp CNTT trong nước tham gia, có thể thí điểm tại một số quận, huyện trước khi mở rộng.
Trích nguồn: ictnews.vietnamnet.vn